CÁC THỂ LÂM SÀNG CỦA ÁP XE PHỔI
- Bởi : Dược sĩ Lưu Anh
- - Chuyên mục : Tin Tức Sức Khỏe
Người ta có thể chia thể lâm sàng theo: vị trí ổ áp xe, nguyên nhân gây bệnh, và theo tiến triển của bệnh. Một số thể lâm sàng thường gặp sau:
Contents
– Thể cấp tính:
Bệnh bắt đầu rầm rộ , triệu chứng ộc mủ xuất hiện sớm vào ngày thứ 5-6, mủ không có mùi, xét nghiệm mủ thường chỉ có một loại vi khuẩn( tụ cầu, liên cầu hoặc phế cầu) tiến triển nhanh và khỏi hẳn sau một tháng.
– Thể áp xe mủ thối( do vi khuẩn yếm khí):
Bệnh khởi phát không rầm rộ, có khi chỉ giống như tình trạng cúm. Dần dần bệnh nhân sốt cao, mặt hốc hác da xanh tái, gầy nhanh, đi tiểu ít, hơi thở có mùi hôi thối, khạc mủ không nhiều nhưng rất thối, có khi mùi thối lan ra cả phòng. Thể này thường có nhiều ổ áp xe nhỏ, sau khi ộc mủ khám không thấy hội chứng hang. Thời kì chưa có kháng sinh những bệnh nhân mắc thể này thường tử vong rất nhanh.
– Thể áp xe phổi do Amip:
Do áp xe gan vỡ lên phổi, thường gặp ở thùy dưới của phổi phải nhưng cũng có thể gặp ở phổi trái do Amip theo đường đi của bạch huyết lên phổi rồi gây bệnh. Bệnh nhân có triệu chứng sốt cao dai dẳng kéo dài, khạc mủ ra mủ có màu chocolate.
Chẩn đoán dựa vào tiền sử mắc hội chứng lị; tìm thấy trùng amip hoạt động ở trong mủ (lưu ý giữ bệnh phẩm ở nhiệt độ cơ thể) và phẩn ứng miễn dịch huỳnh quang dương tính.
– Thể áp xe phổi do áp xe đường mật vỡ.
Bệnh nhân khạc ra mủ màu vàng của mật, có vị đắng. Nguyên nhân thường do lỗ rò gan vào phổi phế quản, điều trị rất lâu khỏi và có khi phải can thiệp bằng phẫu thuật.
– Áp xe phổi do tắc mạch nhiễm khuẩn.
Do viêm nội tâm mạc– viêm tắc tĩnh mạch, nhiễm khuẩn sau khi sinh hoặc sau khi làm phẫu thuật vùng hố chậu, lưu catheter tĩnh mạch trung tâm dài ngày, tiêm truyền tĩnh mạch không đảm bảo vô khuẩn.
Triệu chứng: sốt rất cao, kho thở, nhịp thở nhanh, nhịp tim cũng nhanh hơn binh thường.
– Áp xe phổi ở trẻ em:
Áp xe cấp tính thường do một loại vi khuẩn gây nên , mủ và hơi thở không có mùi thối. Chẩn đoán khó vì trẻ thường không khạc mủ mà thường nuốt vào xong nôn ra. Tiên lượng xấu nếu có phế quản phế viêm.
– Áp xe phổi mạn tính:
Sau 3 tháng điều trị nội khoa tích cực kết hợp với phương pháp dẫ lưu và vật lí trị liệu nếu bệnh nhân không khỏi thì gọi là áp xe mạn tính.
Triệu chứng: thỉnh thoảng có một đợt sốt lại, khạc mủ không nhiều nhưng kéo dài, có thể ho ra máu, và mỗi đợt tiến triển thêm một ổ áp xe mới. Nếu điều trị nội khoa bệnh tam thời thoái lui nhưng rồi bệnh lại tiên triển thêm một đợt mới khác, bệnh kéo dài dai dẳng khiến cho bệnh nhân bị suy mòn, ngón tay dùi trống. Đối với thể áp xe phổi mạn tính thì phẫu thuật là phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
copy ghi nguồn:https://health-guru.org/
link bài viết:CÁC THỂ LÂM SÀNG CỦA ÁP XE PHỔI
Không có phản hồi